Hướng dẫn cách ngăn ngừa loại bỏ nấm mốc ở giày

Những đôi giày không được sử dụng thường xuyên hay chẳng may bị dính nước đều rất dễ xuất hiện nấm mốc. Vậy có cách nào để ngăn ngừa và loại bỏ nấm mốc ở giày đơn giản nhưng hiệu quả không ? Câu trả lời sẽ có ngay trong bài viết dưới đây. Cùng theo dõi nhanh nhé!

Hướng dẫn loại bỏ nấm mốc ở giày

Đối với vết mốc nhẹ

Loại bỏ nấm mốc ở giày bằng khoai tây

Khoai tây được sử dụng rất phổ biến trong ẩm thực, để tạo ra những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Thế nhưng, ngoài việc dùng làm nguyên liệu nấu ăn chúng còn được biết đến là “bảo bối” để đẩy lùi các vết nấm mốc trên giày.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Chuẩn bị 1 củ khoai tây gọt sạch vỏ và cắt ra thành các lát mỏng.
  • Bước 2: Dùng những lát khoai tây vừa được cắt chà nhẹ theo hình vòng tròn lên phần giày đã bị mốc.
  • Bước 3: Lặp lại thao tác này nhiều lần cho đến khi vết mốc được loại bỏ hoàn toàn.

Dùng giấm ăn

Giấm ăn có thành phần chính là axit axetic có nồng độ khoảng 5%. Do đó, bên cạnh việc sử dụng để chế biến các món ăn thì giấm ăn còn có rất nhiều công dụng đặc biệt mà ít ai biết đến. Trong số đó phải kể đến khả năng loại bỏ nấm mốc ở giày dép cực kỳ hiệu quả.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu sau: Giấm ăn, nước sạch, khăn mềm.
  • Bước 2: Giặt giày thật sạch và đảm bảo giày đã khô ráo hoàn toàn.
  • Bước 3: Dùng khăn mềm thấm một ít giấm ăn rồi bôi lên vị trí giày bị mốc. Bạn nên thực hiện từ 3- 4 lần để vết mốc có thể được loại bỏ hoàn toàn.

Loại bỏ nấm mốc ở giày bằng lòng trắng trứng

Lòng trắng trứng có thể xử lý vết nấm mốc hiệu quả trên giày dép cũng như trên quần áo.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Lau sạch bề mặt của đôi giày bằng khăn vải mềm ẩm.
  • Bước 2: Chuẩn bị lòng trắng trứng trong bát.
  • Bước 3: Sử dụng một chiếc khăn bông khác thấm lòng trắng trứng và xoa trên bề mặt giày cho đến khi các vết mốc được loại bỏ hoàn toàn.

Dùng cồn pha

Dùng cồn pha cũng là một trong những cách loại bỏ nấm mốc ở giày được rất nhiều người áp dụng và thành công. 

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Trước tiên, bạn cần làm sạch giày và làm khô giày ngay sau đó.
  • Bước 2: Sau khi giày đã được làm sạch và khô ráo, bạn pha cồn 90 độ với nước theo tỉ lệ 1:1.
  • Bước 3: Dùng khăn mềm chấm dung dịch vừa pha và chà lên bề mặt giày bị mốc. Nếu vết mốc dày, bạn nên lặp lại từ 2 – 3 lần để đảm bảo mang lại hiệu quả.

Đối với vết mốc đã bám lâu

Với những vết mốc cứng đầu, đã bám lâu trên giày da thì bạn cần sử dụng những biện pháp mạnh tay hơn để loại bỏ chúng

Dùng thuốc tẩy để loại bỏ nấm mốc

Cách này dùng để loại bỏ nấm mốc ở giày trắng, không nên sử dụng cho những đôi giày màu vì thuốc tẩy có thể làm màu sắc trên giày bị phai đi.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Pha loãng thuốc tẩy với nước theo tỷ lệ 1:1.
  • Bước 2: Dùng một chiếc bàn chải rồi nhúng vào hỗn hợp trên rồi chà lên những vết mốc trên bề mặt đôi giày.
  • Bước 3: Làm sạch giày lại với nước và đem ra phơi khô dưới ánh sáng nhẹ tự nhiên.

Loại bỏ nấm mốc ở giày da lộn bằng bột giặt

Đối với những đôi giày da lộn bị mốc nặng, bạn cần chuẩn bị bột giặt, nước sạch, khăn mềm, bàn chải để làm sạch vết mốc. 

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Làm sạch đôi giày da và để ráo nước.
  • Bước 2. Pha loãng bột giặt với nước sạch (Bạn cũng có thể thay thế bột giặt bằng nước giặt).
  • Bước 3. Sử dụng bàn chải lông mềm, nhúng vào dung dịch pha loãng trên rồi chà nhẹ lên bề mặt giày bị mốc.
  • Bước 4. Xả nước sạch cho giày để loại bỏ hết vết bẩn, xà phòng.
  • Bước 5: Cuối cùng đem phơi ở nơi thông thoáng, có gió.

Loại bỏ nấm mốc bằng giấy nhám cho giày thể thao

Phương pháp loại bỏ nấm mốc này chỉ áp dụng cho giày thể thao, các bạn tuyệt đối không sử dụng giấy nhám cho giày da. 

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Sử dụng một tờ giấy nhám, sau đó vò nhuyễn và bắt đầu chà sát lên các vị trí giày bị mốc đến khi các vết mốc được loại bỏ hoàn toàn.
  • Bước 2: Bạn dùng một chiếc khăn mềm và nhúng nước ấm để lau sạch giày lại thêm lần nữa.
  • Bước 3: Khi giày đã được giặt sạch, bạn nên mang giày ra phơi nơi khô thoáng dưới ánh nắng mặt trời, để giày được khô ráo hoàn toàn đồng thời tránh tình trạng ẩm mốc quay trở lại.

Hướng dẫn ngăn ngừa nấm mốc ở giày

Ông bà ta có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để không phải mất thời gian và công sức đi “giải cứu” cho đôi giày bị nấm mốc đeo bám, các bạn cần nắm được cách sử dụng và bảo quản giày chuẩn xác.

Cách chống ẩm cho giày

Ẩm ướt chính là môi trường hàng đầu khiến nấm mốc sinh sôi, phát triển. Vì thế, trước hết bạn cần biết cách chống ẩm cho giày để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát sinh.

Nếu chẳng may giày bị dính nước, bạn cần làm khô giày nhanh chóng bằng cách lấy khăn lau sau đó dùng giấy báo xé nhỏ cho vào bên trong giày. Chú ý thay giấy báo sau khi giấy bị ướt, để tránh tình trạng thấm ngược trở lại vào bên trong giày.

Với những người có tuyến mồ hôi chân hoạt động mạnh thì sau khi đi làm về nên đặt một túi bột vôi vào trong giày. Sáng hôm sau khi thức dậy bạn sẽ thấy giày khô ráo và cảm thấy dễ chịu khi đi.

Đối với những đôi giày có lớp nỉ hoặc lông bên trong thì độ thông khí kém nên sẽ dễ xuất hiện tượng ẩm ở bên trong. Trong trường hợp này, bạn nên dùng máy sấy bên trong giày vài phút, để giúp giày được khô ráo. Chú ý không sấy ở mức nhiệt độ quá cao, làm ảnh hưởng đến độ bền của giày.

Bảo quản giày đúng cách

Cho giày vào túi ni lông kín khi không sử dụng thường xuyên

Nếu không mang giày thường xuyên, bạn có thể áp dụng mẹo sau để giữ cho đôi giày sáng bóng như mới cũng như ngăn ngừa nấm mốc hiệu quả.

  • Bước 1: Sử dụng khăn ẩm để loại bỏ hết bụi bẩn trên giày. Sau đó, để giày nơi khô thoáng để chúng được khô ráo một cách tự nhiên.
  • Bước 2: Đánh xi lên bề mặt giày (Áp dụng với những đôi giày da) 
  • Bước 3: Cuối cùng cho giày vào túi ni lông kín, chú ý cho hết không khí trong túi hết ra ngoài. Tiếp đến dùng dây buộc chặt miệng túi lại, cách này giúp làm cho giày không bị khô cứng, bị mốc hoặc bị biến dạng. 

Không nhét tất vào trong giày

Rất nhiều người có thói quen nhét tất vào trong giày, đặc biệt là tất bẩn. Điều này vô hình dung sẽ biến đôi giày của bạn thành một ổ vi trùng cho các loại vi khuẩn gây mùi hoạt động cũng như nấm mốc phát triển. Do đó, hãy để đôi giày thật thông thoáng, tránh nhét tất vào trong giày.

Bảo quản giày nơi khô ráo, thoáng mát

Hãy cho giày vào tủ đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa nơi ẩm ướt hay nơi có nguồn nhiệt cao. Đặc biệt, tuyệt đối không để giày gần các dung dịch hóa chất có tính kiềm hay tính axit. Bởi, điều này có thể làm giảm tuổi thọ giày một cách nhanh chóng.

Trên đây là hướng dẫn ngăn ngừa và loại bỏ nấm mốc ở giày được chúng tôi tổng hợp lại. Hy vọng, bài viết đã giúp ích cho các bạn trong việc chăm sóc đôi giày yêu quý của mình. Đừng quên theo dõi thường xuyên website của chúng tôi, để có thêm nhiều kiến thức hữu ích về giày dép.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *